CHIẾN THẮNG MÙA XUÂN KỶ DẬU

Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã tiến công thần tốc, đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Cũng trong tháng 1 Dương Lịch, và những ngày cận Tết ta, vị Anh hùng Nguyễn Huệ, con dân của Bình Định, còn có một chiến công lẫy lừng nữa là trận Rạch Gầm Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân xiêm, vào  đêm rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785, tức là ngày mồng 9 tháng chạp năm Giáp Thìn. 

      Với trận Đống Đa, Hoàng Đế Quang Trung đã dùng bô binh và tượng binh để quyét sạch 20 vạn quân Thanh ra khỏi Miền Bắc nước ta chỉ trong 5 ngày Mùa Xuân Năm Kỷ Dậu (1789); thì 4 năm trước (1785), vị anh hùng Nguyễn Huệ đã kết hợp Thủy binh và Bộ binh trong trận Rạch Gầm Xoài Mút, diệt gọn 2 vạn quân Xiêm chỉ trong một đêm, cứu nguy Miền Nam khỏi ách đô hộ tàn bạo của Quân Xiêm.

       Thời ấy, nước ta, phía Bắc có Lê Chiêu Thống cúi đầu rước quân Thanh, phía Nam có Nguyễn Ánh thỉnh cầu quân Xiêm. Lịch sử đã phán xét: cả hai đều vì ngai vàng cho riêng mình mà bán đứng đất nước cho ngoại bang giày xéo. Nhưng vận nước còn may, vùng đất địa linh nhân kiệt Bình Định đã sản sinh ra vị anh hùng cứu tinh dân tộc, Quang Trung Nguyễn Huệ. Nếu không có Ngài, nuớc ta đã bi ngoại bang chia đôi, nửa phía Bắc trở thành quận huyện của nước Tàu, nửa phía Nam phía trở thành bờ cõi của Xiêm La.

TỪ VÕ LÝ ĐẾN CHIẾN THUẬT

Thừa lệnh vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang chiếm nước ta. Trong chiến dịch đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã đem võ lý vào chiến thuật một cách khoa học và sáng tạo.

1 – Thế phục hồi:

Trong võ lý, thời gian ra thế võ cần phải cân bằng với thời gian nghỉ ngơi, gọi là thế phục hồi. Chính nhờ có phương pháp lấy lại sức lực, nên cuộc đấu võ có thể kéo dài hàng giờ. Với võ Bình Định, nếu đánh bằng roi, thế phục hồi được gọi là “đứng chong roi”; nếu đánh bằng tay, gọi là “đứng ngựa.” Tiếng là nghỉ ngơi, nhưng đúng ra là cách đứng để vừa được nghỉ, vừa đón đối thủ xông tới; hoặc đứng để nghỉ, vừa chọn thế trận tốt nhất tấn công đối phương. Vì vậy, trong thế nghỉ, võ sĩ không bao giờ đứng thẳng 180 độ, mà khủy đầu gối và khủy tay hơi co lại trong thế thủ, người hơi khom, thu mình lại để toàn thân được bảo vệ.

Thế thì, binh sĩ Tây Sơn trong cuộc hành quân thần tốc cả ngày lẫn đêm, vua Quang Trung đã làm thế nào tận dụng thế phục hồi trong võ lý? Nhìn lại sự kiện lịch sử, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, có đoạn chép: “Ngày 20 tháng ấy (tháng 11 năm Mậu Thân) Sở lui về Tam Điệp, thì ngày 24 Tuyết đã vào đến thành Phú Xuân. Bắc Bình Vương tiếp được tin báo, giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay. Nhưng các người đến họp đều nói:

– Chúa công với vua Tây Sơn có sự hiềm khích, đối với ngôi chí tôn, lòng tôn phò của mọi người chưa thật vững bền, nay nghe quân Thanh sang đánh, càng dễ sinh ra ngờ vực hai lòng. Vậy xin trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa muộn.

Bắc Bình Vương lấy làm phải, bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi Hoàng đế, đổi năm thứ 11 niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân. Hôm ấy, nhằm vào ngày 25 tháng chạp (đúng ra tháng 11) năm Mậu Thân (1788)…” [1].

Cũng theo sử, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22- 12- 1788) Quang  Trung tế Nam Giao và lên ngôi Hoàng Đế, ở núi Bân, còn gọi là Bàn Sơn (ở phía Nam núi Ngự Bình), thuộc thành phố Huế [2]. Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân, nhà vua cùng đại binh có mặt tại Nghệ An, và ở lại 10 ngày để tuyển binh thêm. Rồi ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15- 1- 1789), đại binh đến đèo Tam Điệp  (ranh giới Thanh Hóa và Ninh Bình). Đường xa, di chuyển thần tốc 24/24 giờ mỗi ngày, Quang Trung ứng dụng một cách sáng tạo về nguyên tắc phục hồi trong võ thuật, nên đại quân không bị kiệt sức. Nhà vua chia quân ra từng tổ ba người, cứ hai người võng 1 người, luân phiên nhau. Trong cuộc hành quân, không một phút dừng chân, mỗi binh sĩ vẫn có được 1/3 thời gian nằm ngủ trên võng. Sức lực được phục hồi, khiến quân không mệt, tinh thần không sa sút, trong cuộc chuyển quân từ Thuận Hóa ra Bắc.

2 – Thế đâm so đũa:

Trước khí thế mạnh như vũ bão của quân Thanh, ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân (18- 12- 1788), Tư mã Ngô Văn Sở cho rút quân về đèo Tam Điệp để  bảo toàn lực lượng. Thăng Long bị bỏ ngỏ, quân Thanh tiến sâu vào nước ta như vào chỗ không người. Quang Trung rành võ lý, biết lợi dụng cơ hội ấy để thanh toán chiến trường. Đó là thế phản công, trong võ thuật gọi là “đâm so đũa” mà chỉ có các bậc cao thủ mới dám sử dụng độc chiêu này.

Phàm khi đối thủ phóng ngọn roi đâm ta, tay trước vừa hướng đầu roi đến đích vừa che chở thân mình, tay sau lái đốc roi đồng thời bảo vệ phần nách phải nghiêng về phía trước. Nhưng lúc mũi roi đang nhắm vào ngực ta lao tới, tức thì có một vùng nhỏ dưới đầu roi của đối thủ bị che khuất, gọi là điểm mù. Ta phải lợi dụng kẽ hở trong khoảnh khắc ấy, luồn roi ta song song và ngược chiều với roi đối thủ để đâm vào nách hắn. Bởi không thấy, nên đối thủ không né tránh, chắc chắn đầu roi của ta sẽ vào đến mục tiêu. Còn đầu roi của đối thủ ta đã thấy, khi nó chưa đến ngực, ta đã xoay nghiêng mình, đưa đốc roi từ dưới vòng lên, gạt mũi roi của đối thủ bạt ra ngoài. Áp dụng võ lý một cách vững vàng, Quang Trung ban lệnh tiến quân.

– Hữu quân [3] cùng thủy quân, giao cho Đại Đô đốc Lộc và Đô đốc Tuyết đi đường biển, theo sông Lục Đầu tràn lên đất liền. Cánh quân của Tuyết đổ bộ Hải Dương, tiếp ứng cho mặt trận miền Đông. Cánh quân của Lộc tràn lên Bắc Ninh và Bắc Giang, đóng chốt từ Yên Thế đến Lạng Giang, Phượng Nhãn, chận đường về của giặc.

– Tả quân kiêm lĩnh đội kỵ binh và tượng binh, giao cho Đại Đô đốc Bảo và Đô đốc Long [4], đi bọc đường núi đánh tạt cạnh sườn vào phòng tuyến địch. Cánh quân của Bảo dùng tượng binh từ huyện Sơn Minh [5], đánh vào các căn cứ địch ở xã Đại Áng [6]. Cánh quân của Long, vòng lên hạ các trại giặc tại huyện Chương Đức [7], rồi đâm thủng phòng tuyến ở làng Nhân Mục [8], tiến đến Khương Thượng [9] tiêu diệt quân của Sầm Nghi Đống đóng ở chùa Bộc, cách Đống Đa chừng 200 mét.

– Còn chính nhà vua thống lĩnh đại binh, gồm ba doanh: Tiền, Trung, Hậu quân. Tư mã Sở và Nội hầu Lân làm mũi nhọn xung kích. Đám tân binh Nghệ An sung vào Trung quân do nhà vua trực tiếp chỉ huy. Hậu quân do Hô Hổ hầu (không rõ tên họ, chỉ biết ông có tước hầu và làm đến Đô đốc) thủ vai đốc chiến và đề phòng tập hậu.

Điều quân lanh như đường roi đâm so đũa, ngày 30 mươi Tết (25- 1-1789), đại quân của Quang Trung vượt bến đò Gián Khuất, còn gọi là Gián Thủy (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), ngược chiều tiến quân của giặc, lần lượt hạ các đồn Gián Khẩu (đêm 30 Tết), Nguyệt Quyết (huyệnThanh Liêm, Hà Nam), Nhật Tảo (huyện Duy Tiên, Hà Nam), Phú Xuyên (Hà Đông, bắt sống toàn bộ toán quân thám thính), Hà Hồi [10], Ngọc Hồi [11], Văn Điển, Khương Thượng, Đống Đa [12].

Và khoảng 4 giờ chiều mùng 5 Tết Kỷ Dậu (31- 1- 1789), Hoàng đế Quang Trung trong chiến bào sạm đen màu thuốc súng cùng với 80 thớt voi làm lá chắn, ung dung tiến vào thành Thăng Long sớm hơn hạn định 2 ngày, mà Vua đã hứa trước ba quân ngày 20 tháng chạp (15- 1- 1789).

3 – Thế lăn khiên:

Lại khi tiến chiếm đồn Ngọc Hồi, rạng ngày mồng 5 Tết, quân Tây Sơn huy động hơn 100 thớt voi dàn hàng ngang như một đoàn thiết giáp, tiến về mục tiêu. Giặc cố thủ trong đồn, được ưu thế có thành lũy kiên cố, có chông sắt cắm dày kịt, có chỗ ẩn núp an toàn và bắn tên đạn như cát vãi.

Vua Quang Trung bèn cho dùng phên gỗ quấn rơm nhào với đất bùn, làm lá chắn ngăn tên đạn. Kỹ thuật này tức là đưa môn “binh khí lăn khiên” trong võ thuật vào chiến thuật. Nhưng lăn khiên trong võ thuật chỉ dành cho cá nhân, tay phải cầm vũ khí để đâm chém đối thủ, tay trái cầm lăn khiên để che chắn thân thể. Còn lăn khiên mà Quang Trung đem vào trận mạc lại dùng cho tập thể. Cứ 10 người lưng giắt đoản đao, chung nhau vác dựng đứng một tấm lăn khiên, mặt bện rơm quay về phía địch, theo sau là 20 khinh binh võ trang đầy đủ sẵn sàng chiến đấu theo nguyên tắc công thủ song hành.

Các lăn khiên dàn hàng chữ nhất tiến vào đồn, làm vô hiệu hóa hỏa lực của địch quân. Khi đến sát đồn, các lăn khiên được sử dụng như tấm đệm trải lên chông, tạo lối đi an toàn cho quân hãm thành tiến vào như nước vỡ bờ. Quân ta đánh giáp lá cà, dùng đoản đao qua các thế võ để giải quyết chiến trường.

Trích Đoạn 7, Chương VI,  Trong tập Sắc Hương Quê Nhà

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Ngô Gia Văn Phái; Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân & Kiều Thu Hoạch (Hà Nội, nxb Văn Học, 2001); trang 371 và 372.

[2] Núi Bân, theo Ngô Gia Văn Phái; Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch (Hà Nội, nxb Văn Học, 2001); trang 372: Núi Bân ở địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Nay  thuộc xứ Cồn Mồ, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế). Núi Bân cao 43,75 m, cách cố đô Huế trên 3 km, phía Đông cận núi Ngự Bình, phía Tây và Bắc giáp thôn Trường Cỡi (xã Thủy Bằng), phía Nam là khu nhà dân ở làng Tứ Tâ

Bình luận về bài viết này